Kỹ thuật điện - An toàn điện - An toàn vệ sinh lao động - Quy trình, Quy phạm, quy định - Năng lượng mặt trời

Menu

Văn hóa an toàn trong sản xuất của mọi công ty

 

Những nội dung cơ bản của mô hình “Cơ sở văn hóa an toàn trong sản xuất”

                                                                                   (Theo ... Tổng liên đoàn LĐVN)

Về nguyên tắc các nội dung và hoạt động của mô hình cơ sở VHAT phải dựa trên hệ thống quản lý quốc gia về ATVSLĐ và đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ sở, cũng như phải có khả năng đáp ứng kịp thời những yêu cầu thực tế của cơ sở, giúp cho cơ sở áp dụng các nguyên tắc và phương pháp quản lý ATVSLĐ thích hợp để công tác ATVSLĐ ở cơ sở đạt hiệu quả cao nhất.

Đặc biệt khi thiết lập hệ thống quản lý ATVSLĐ tại cơ sở, cũng như xây dựng các hướng dẫn chi tiết ở cơ sở cần lưu ý đến qui mô, cơ sở hạ tầng của các cơ sở cũng như các yếu tố nguy hiểm, mức độ rủi ro có thể xảy ra trong sản xuất ở cơ sở. Ngoài ra, hệ thống quản lý ATVSLĐ của cơ sở cũng cần nêu rõ rằng việc tuân thủ các yêu cầu về ATVSLĐ theo đúng pháp luật và các qui định quốc gia là trách nhiệm và nghĩa vụ của NSDLĐ, NLĐ, đồng thời NSDLĐ cần chỉ đạo và cam kết về các hoạt động ATVSLĐ ở cơ sở. Như vậy hoạt động của mô hình “Cơ sở VHAT trong sản xuất” cần bao gồm những nội dung chính sau:

1. Tổ chức bộ máy và phân định trách nhiệm hoạt động

- Để bộ máy quản lý hoạt động gọn nhẹ, cơ sở lao động cần thành lập bộ phận quản lý chung về an toàn-vệ sinh lao động theo các quy định hiện hành. Đảm bảo các cán bộ quản lý VHAT có chuyên môn, nghiệp vụ về kỹ thuật an toàn, kỹ thuật phòng, chống cháy nổ, kỹ thuật môi trường, vệ sinh lao động; cũng như có hiểu biết về thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ của cơ sở.

- Bộ phận quản lý VHAT có chức năng tham mưu, giúp việc cho người sử dụng lao động trong việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động ATVSLĐ; Phối hợp với các bộ phận có liên quan trong cơ sở lao động tiến hành các công việc sau:

+ Xây dựng nội quy, quy chế, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn - vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ trong cơ sở lao động;

+ Quản lý theo dõi việc đăng ký, kiểm định các máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn - vệ sinh lao động;

+ Xây dựng kế hoạch an toàn - vệ sinh lao động hằng năm và đôn đốc, giám sát việc thực hiện kế hoạch; đánh giá rủi ro và xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp;

+ Tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định về an toàn - vệ sinh lao động của Nhà nước, của cơ sở lao động trong phạm vi cơ sở lao động;

+ Tổ chức huấn luyện về an toàn - vệ sinh lao động cho người lao động;

+ Kiểm tra về an toàn - vệ sinh lao động theo định kỳ ít nhất 1 tháng/1 lần các bộ phận sản xuất và những nơi có các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

+ Kiểm tra môi trường lao động, an toàn thực phẩm (nếu đơn vị tổ chức bữa ăn công nghiệp); theo dõi tình hình thương tật, bệnh tật phát sinh do nghề nghiệp; đề xuất với người sử dụng lao động các biện pháp quản lý, chăm sóc sức khỏe lao động.

- Bộ phận quản lý VHAT tham gia kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn - vệ sinh lao động trong phạm vi cơ sở lao động, cũng như đề xuất với người sử dụng lao động biện pháp khắc phục các tồn tại về an toàn - vệ sinh lao động. Đặc biệt chú trọng các vấn đề như: điều tra, thống kê, báo cáo và quản lý các vụ tai nạn lao động theo quy định pháp luật hiện hành; kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch an toàn - vệ sinh lao động, góp ý về lĩnh vực an toàn - vệ sinh lao động tại các cuộc họp xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, trong việc lập và duyệt các đề án thiết kế, thi công, nghiệm thu, trong việc tổ chức tiếp nhận và đưa vào sử dụng nhà xưởng, máy, thiết bị; chủ động đề xuất với người sử dụng lao động giải quyết các đề xuất, kiến nghị của các đoàn thanh tra, kiểm tra, của các đơn vị cấp dưới hoặc của người lao động, cũng  như tham gia ý kiến vào việc thi đua, khen thưởng; tổng hợp, đề xuất khen thưởng, xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân trong công tác bảo hộ lao động, an toàn - vệ sinh lao động.

- Cơ sở VHAT phải bố trí thành lập bộ phận y tế tại cơ sở theo đúng các quy định hiện hành. Trường hợp cơ sở lao động không thành lập được bộ phận y tế theo quy định thì phải có hợp đồng chăm sóc sức khỏe với một trong các cơ quan y tế địa phương như: Trạm y tế xã, phường, thị trấn; Phòng khám đa khoa khu vực; Bệnh viện huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là huyện) hoặc trung tâm y tế huyện.

- Bộ phận y tế có chức năng tham mưu, giúp việc cho người sử dụng lao động và trực tiếp thực hiện việc quản lý sức khỏe của người lao động với các nhiệm vụ chính sau:

+ Thực hiện cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh thông thường tại cơ sở lao động và sơ cứu, cấp cứu các trường hợp tai nạn lao động;

+ Quản lý tình hình sức khỏe của người lao động, bao gồm: Tổ chức khám sức khỏe định kỳ; khám bệnh nghề nghiệp; lưu giữ và theo dõi hồ sơ sức khỏe tuyển dụng, hồ sơ khám sức khỏe định kỳ, hồ sơ bệnh nghề nghiệp (nếu có);

+ Quản lý cơ số trang thiết bị, thuốc men phục vụ sơ cứu, cấp cứu theo ca sản xuất (nếu có) và theo phân xưởng sản xuất;

+ Xây dựng các nội quy về vệ sinh lao động, các yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp và các biện pháp dự phòng để người lao động tham gia phòng tránh;

+ Xây dựng các tình huống sơ cấp cứu thực tế tại cơ sở; chuẩn bị sẵn sàng các phương án và tình huống cấp cứu tai nạn lao động tại cơ sở nhằm bảo đảm sơ cấp cứu có hiệu quả trong trường hợp xảy ra sự cố, tai nạn;

+ Kiểm tra việc chấp hành điều lệ vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người lao động tại cơ sở lao động; phối hợp với bộ phận an toàn - vệ sinh lao động để triển khai thực hiện đo, kiểm tra, giám sát các yếu tố nguy cơ trong môi trường lao động, hướng dẫn các phân xưởng và người lao động thực hiện các biện pháp vệ sinh lao động;

+ Xây dựng kế hoạch điều dưỡng và phục hồi chức năng cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại hoặc có kết quả khám sức khỏe định kỳ là loại IV, loại V hoặc mắc bệnh nghề nghiệp;

+ Định kỳ hằng năm tổ chức huấn luyện cho người lao động về ảnh hưởng của các yếu tố có hại phát sinh trong môi trường lao động đến sức khỏe và các biện pháp dự phòng các bệnh có liên quan đến yếu tố nghề nghiệp; các biện pháp sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động thông thường tại nơi làm việc;

+ Hằng năm kiểm tra, giám sát môi trường lao động; quản lý hồ sơ vệ sinh lao động của cơ sở; đề xuất các khuyến nghị và biện pháp cải thiện điều kiện lao động và nâng cao sức khỏe cho người lao động;

+ Hướng dẫn và tổ chức thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật (cơ cấu định lượng hiện vật, cách thức tổ chức bồi dưỡng) cho những người làm việc trong điều kiện lao động có hại đến sức khỏe;

+ Tham gia hoàn chỉnh các thủ tục để giám định tổn hại sức khỏe, thương tật cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động;

+ Phối hợp và nhận sự chỉ đạo của cơ quan y tế địa phương hoặc y tế Bộ, ngành (nếu có) để quản lý sức khỏe của người lao động; tiếp nhận và thực hiện đầy đủ chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của y tế địa phương và y tế Bộ, ngành;

+ Thực hiện các báo cáo định kỳ về quản lý sức khỏe, bệnh nghề nghiệp của người lao động đối với cơ quan y tế địa phương và y tế Bộ, ngành (nếu có).

- Mạng lưới cán bộ VHAT: Mỗi đơn vị và tổ sản xuất trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải phân công, bố trí có ít nhất một cán bộ VHAT  kiêm nhiệm trong giờ làm việc và phải là người lao động trực tiếp, am hiểu nghiệp vụ (chuyên môn và kỹ thuật an toàn - vệ sinh lao động), nhiệt tình và gương mẫu trong việc chấp hành các quy định an toàn - vệ sinh lao động và được người lao động trong tổ bầu ra.

- Cán bộ VHAT hoạt động dưới sự quản lý và hướng dẫn của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc người đại diện tập thể người lao động, trên cơ sở "Quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn - vệ sinh viên" do người sử dụng lao động ban hành. Nhiệm vụ của cán bộ VHAT bao gồm:

+ Đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn mọi người trong tổ, phòng, khoa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn - vệ sinh lao động, bảo quản các thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân; nhắc nhở tổ trưởng, trưởng phòng, trưởng khoa chấp hành các quy định về an toàn - vệ sinh lao động.

+ Giám sát việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy trình, nội quy an toàn - vệ sinh lao động, phát hiện những thiếu sót, vi phạm về an toàn - vệ sinh lao động của người lao động trong tổ, phòng, khoa; phát hiện những trường hợp mất an toàn của máy, thiết bị.

+ Tham gia xây dựng kế hoạch an toàn - vệ sinh lao động, các biện pháp, phương án làm việc an toàn - vệ sinh lao động trong phạm vi tổ, phòng, khoa; tham gia hướng dẫn biện pháp làm việc an toàn đối với người lao động mới đến làm việc ở tổ, phòng, khoa.

+ Kiến nghị với tổ trưởng hoặc cấp trên thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động, biện pháp bảo đảm an toàn - vệ sinh lao động và khắc phục kịp thời những hiện tượng thiếu an toàn, vệ sinh của máy, thiết bị và nơi làm việc.

  • Website: Kỹ thuật - An toàn và thông tin tổng hợp dành cho người làm công tác ATLĐ.