Quản lý sửa chữa cao hạ áp
CHUYÊN ĐỀ 6
BIỆN PHÁP AN
TOÀN TRONG CÔNG VIỆC QUẢN LÝ,
VẬN HÀNH, SỬA
CHỮA ĐƯỜNG DÂY CAO, HẠ ÁP
·I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Kiểm tra định kỳ đường dây
a) Khi kiểm tra đường dây, thiết bị bằng
mắt thì được phép làm việc 01 người (không sử dụng Phiếu công tác cho việc kiểm
tra đường dây bằng mắt). Phải xem như đường dây đang có điện, kiểm tra tiến
hành trên mặt đất, ban đêm phải có đèn soi, chú ý dây dẫn bị chùng võng và đứt,
rơi.
b) Khi thấy dây dẫn đứt, rơi xuống đất
hoặc còn lơ lửng, phải có biện pháp để không cho mọi người tới gần dưới 10m, kể
cả bản thân. Nếu là nơi có người qua lại thì phải cử người đứng gác và báo ngay
cho trực ca Điều độ (hoặc trưởng ca vận hành lưới điện, nhà máy điện) biết. Nếu
giao cho người khác đứng gác thì phải giải thích kỹ biện pháp an toàn cho người
đứng gác biết.
c) Khi trèo lên cột phải kiểm tra sơ bộ
tình trạng của móng cột và cột. Nếu trèo lên cột trên 3m thì phải thực hiện
đúng các quy định về an toàn điện và làm việc trên cao. Cấm trèo và làm việc ở
phía đặt tay xà có sứ đỡ dây dẫn trên cột đơn.
d) Nếu tiến hành đo nối đất đường dây
đang vận hành, thì phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Trời không có mưa, giông, sét.
- Nếu đường dây có bảo vệ bằng dây
chống sét, thì khi tháo dây nối đất phải đeo găng tay cách điện, hoặc trước khi
tháo, đấu dây nối đất ở cột phải nối tắt tạm thời đầu dây nối đất đó vào một
cọc nối đất bằng một đoạn dây dẫn có tiết diện tối thiểu 10 mm2.
2. Làm công việc trên đường dây đã cắt điện
· a) Phải có tiếp
đất tại nơi làm việc theo quy định tại Điều 14 Quy trình ATĐ
· b) Nếu làm việc
vào ban đêm phải có đủ ánh sáng.
· c) Mọi công việc
làm ở trên đường dây cao áp phải có ít nhất hai người thực hiện, cho phép một
người tiến hành các công việc như treo (in) biển báo, sửa chân cột, đánh số cột
v.v mà không trèo lên cột cao quá 3,0 m và không sửa chữa các cấu kiện của cột.
· d) Khi có giông,
bão hoặc sắp có giông, bão người chỉ huy trực tiếp phải cho đơn vị công tác ra
khỏi khu vực nguy hiểm do đứt dây hoặc đổ, gẫy cột v.v.
· e) Cấm làm việc
trên đường dây khi bắt đầu có gió cấp 6 (39~49 km/giờ) trở lên hoặc có mưa nặng
hạt, nước chảy thành dòng trên người và thiết bị, trừ trường hợp đặc biệt khi
có lệnh khẩn cấp của cấp có thẩm quyền.
· f) Khi công tác trên chuỗi sứ, chỉ cho phép người di chuyển dọc chuỗi sứ sau
khi đã xem xét kỹ chuỗi sứ, không có vết nứt ở đầu sứ hay các phụ kiện khác,
các móc nối, khoá, chốt còn tốt và đủ. Người làm việc phải sử dụng dây an toàn
phụ cài chặt vào xà hoặc đầu cột.
· i) Khi tiến hành công tác trên đường dây vượt đường sắt, đường bộ, đường sông
phải áp dụng các biện pháp như sau:
· - Giao chéo với
đường sắt, đường sông phải báo trước cho cơ quan quản lý đường sắt, đường sông và
mời đại diện của họ tới điểm công tác để phối hợp, đảm bảo an toàn cho hai bên
và cộng đồng;
· - Giao chéo với
đường bộ phải cử người cảnh giới cầm cờ đỏ (hoặc đèn đỏ nếu là ban đêm), đứng
cách nơi làm việc với khoảng cách hợp lý về hai phía để báo hiệu. Nếu có nhiều
xe qua lại thì phải bắc giàn giáo.
· 3. An toàn
khi phát quang
· 3.1. Quy định chung
Việc chặt cây ở gần đường dây phải thực
hiện những quy định như sau:
Người chưa huấn luyện và kiểm tra, chưa
có kinh nghiệm không được trực tiếp chặt cây.
Người chỉ huy trực tiếp phải thông báo
cho nhân viên đơn vị công tác biết về nguy hiểm khi trèo lên cây, khi cây và
dây thừng tiếp xúc hoặc vi phạm khoảng cách an toàn với dây dẫn.
Cấm chặt cây khi có gió cấp 4 (20~28
km/giờ) trở lên, trừ trường hợp đặc biệt khi có lệnh khẩn cấp của cấp có thẩm
quyền.
Cấm cưa cây sẵn hàng loạt rồi làm đổ cây
bằng cách cho cây này làm đổ cây kia.
|
Cấm đứng ở phía cây đổ và phía đối diện.
Để tránh cây khỏi đổ vào đường dây phải dùng dây thừng buộc và kéo về phía đối
diện với đường dây.