Kỹ thuật điện - An toàn điện - An toàn vệ sinh lao động - Quy trình, Quy phạm, quy định - Năng lượng mặt trời

Menu

Ngược dòng Tiền Giang




Ngược dòng Tiền Giang

          Tôi từ Hà Nội được cử vào miền Nam công tác một thời gian. Chiều hè, nắng dịu nhạt, đoàn chúng tôi đến Sài Gòn. Không khí nhộn nhịp, người và xe cộ chen chúc trong nhịp sống ồn ã xô bồ của một thành phố đang độ dậy thì. Hai bên đường, nhiều tòa nhà cao tầng còn thơm mùi sơn mới, mọc lên với nhiều kiểu dáng khác nhau. Sài Gòn về đêm lung linh huyền ảo trong chiếc áo mới điểm tô sắc màu từ vô vàn ánh đèn khoe sắc. Sau 300 năm, thành phố mang tên Bác khoác trên mình một diện mạo mới, năng động, duyên dáng lạ thường.

          Theo kế hoạch, chuyến xe công tác chở chúng tôi đến vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Hậu Giang, Cần Thơ gạo trắng nước trong, phố phường rộng mở không kém phần nhộn nhịp, nhưng vẫn đậm chất hiền hòa, mộc mạc.
Trên đường trở về chúng tôi nghỉ chân tại khách sạn Chương Dương, Tiền Giang. Phía trước khách sạn là đường 30/4 được tô điểm bởi những ngọn đèn lồng tròn như trăng 16 đang tỏa sáng dịu dàng. Những tia sáng không chịu ngồi yên, cứ len lén đưa ánh vàng qua từng kẽ lá. Đằng sau khách sạn là nhánh sông Tiền uốn lượn. Mặt sông óng ánh, bồng bềnh được phản chiếu từ những ngọn đèn điện của tàu, bè xen lẫn ánh đèn dầu leo lét trên những chiếc ghe và xuồng bè du mục. Cồn Tân Long xuất hiện nép mình sau những ngọn đèn, điểm tô thêm vẻ ngây thơ, tình tứ cho bức tranh sông nước trữ tình.
Cuối phố đường Trưng Trắc thành phố Mỹ Tho tôi có dịp ngồi lại trên ghế đá ven sông. Ngồi ngắm chiếc cầu quay hơn 100 tuổi và nghe tiếng vang rền của xuồng máy đuôi tôm đang lướt trên sông.
          Đêm về khuya, sương xuống nhiều hơn, tôi ngồi cạnh bờ sông Tiền cùng những người bạn mới quen. Không gian bao la và se lạnh. Cảnh vật và con người nơi đây đang giao hòa tạo nên bức tranh gần gũi, sinh động, một cảm giác ấm áp lạ thường. Tôi chợt quên đi màn đêm, chút lành lạnh của sương khuya đang thấm vào da thịt, quên cả vị đắng của cà phê Chương Dương thiếu đường. Thời gian như lắng đọng
          Sông nước Tiền Giang đang chảy xuôi, con nước lớn dần, chiếc tàu du lịch đưa chúng tôi rong ruổi trên sông. Sóng nước nhấp nhô nâng thuyền lên thật cao và nhẹ nhàng vỗ lên mặt nước như muốn trêu chọc du khách. Tuy không đến nỗi làm tôi hoảng sợ nhưng một chút giật mình cũng đủ mang lại những ấn tượng đáng yêu. Sóng nước Tiền Giang thật dễ thương.
          Tàu du lịch lướt trên từng đoạn sông rộng, qua cồn Phụng đến cồn Rồng và cù lao mới nổi. Cù lao mới chưa có tên nên tôi tạm gọi là viên cát Sông Tiền.
          Tàu cập bến cù lao Thới Sơn, sóng nước vỗ mạnh, khiến nó chòng chành, vất vả đến tội nghiệp. Đoàn chúng tôi dừng chân tại điểm du lịch Thới Sơn, tại nhà hàng của công ty du lịch Thới sơn nằm sát bến đò, bước như đi trên mây vì còn hơi say sóng. Tôi tỉnh hẳn khi nhìn thấy hai con rồng hoa kiểng tươi cười chào đón hoà cùng những nụ cười của các cô gái tiếp viên tại nhà hàng. Đầu tiên chúng tôi được  thưởng thức chén trà nóng có mùi vị gừng cay cay thật dễ chịu, tiếp sau đó được thưởng thức vị ngọt mát của mãng cầu, đu đủ miệt vườn. Trái cây nơi đây thi nhau đơm hoa kết quả bốn mùa, nào xoài, mận, bưởi, nhãn, sầu riêng và tất nhiên không thể vắng bóng thanh long rồi. Điểm du lịch thứ hai Đoàn chúng tôi đến quán đàn ca tài tử Lưu Luyến, vừa nghe nhạc cổ và thưởng thức vị ngọt thanh thanh của mận hồng đào, xoài cát loại giống Hoà Lộc-Cái Bè-Tiền Giang, long nhãn Thới sơn và vị chua nhẹ nhàng phai lẫn vị ngọt ngào của bưởi da xanh, nhất là sầu riêng mang mùi thơm ngát, ngọt dịu đặc sản của vùng cù lao.  Dù vườn cây mọc lên thật nhiều phục vụ cho du khách thắng cảnh du lịch, Thới Sơn vẫn còn những cánh đồng lúa bạt ngàn xanh mướt, đang rập rờn, uốn lượn cùng cánh gió  và những đầm nuôi tôm, cá.  Tôm, cá đua nhau, nhảy tý tách trên khắp vũng lầy, đâu có nước, ở đó có nhiều cá, tôm. Cù lao cũng là một trong những bến đợi của thuyền buồm đánh bắt thủy sản.

          Mặt trời gần đứng bóng, cái nắng mùa hè càng nặng nề, oi bức. Những ngọn gió lướt trên sóng nước chạy vào bờ, tỏa hơi lạnh thấm vào người, xua tan cái nóng nực khiến du khách quên đi mỏi mệt.
Cù lao Thới Sơn cách đất liền hơn một km nhưng mọi sinh hoạt sản xuất và vui chơi đều hòa nhịp với cuộc sống thị thành. Đường dây điện đã kéo sang cù lao cách đây khoảng 15 năm, là chiếc cầu nối hòa nhịp sống cù lao với thành thị. Vì thế Thới Sơn hôm nay không còn là một cù lao hẻo lánh, quê mùa nữa.
          Trưa nắng, bầu trời trong xanh, cao vời vợi. Mọi người dường như đã thấm mệt. Chúng tôi trở về bằng con đường khác, không phải tản bộ nữa mà đi xuồng ba lá, tự chèo. Chiếc xuồng nhỏ bồng bềnh, thong thả trôi trên mặt nước theo nhịp hò dô ta xen lẫn tiếng thủ thỉ ken-két của những chiếc dầm chèo. Văng vẳng đâu đó khúc hát trên sông:
          Tiền Giang sông nước hữu tình,
Đường đi dễ đến
Đường về dễ quên.
Những ai đã đến đây rồi!
Lòng mong trở lại, chân không muốn rời
                     -----------------------------------------------
                              Thienhoang



Danh mục:

  • Website: Kỹ thuật - An toàn và thông tin tổng hợp dành cho người làm công tác ATLĐ.