Nghị định 44/CP về công tác huấn luyện - Trích yếu ND44
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành Chương trình khung chi tiết huấn luyện chuyên ngành, đặc thù theo Chương trình khung huấn luyện quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Tổ chức huấn luyện, doanh nghiệp tự huấn luyện căn cứ chương trình khung huấn luyện, xây dựng chương trình, tài liệu huấn luyện phù hợp với đặc điểm, điều kiện và yêu cầu thực tế huấn luyện.
1. Huấn luyện cập nhật kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật an toàn, vệ sinh lao động
Ít nhất 02 năm một lần, kể từ ngày Giấy chứng nhận huấn luyện, Thẻ an toàn có hiệu lực, người được huấn luyện phải tham dự khóa huấn luyện để ôn lại kiến thức đã được huấn luyện và cập nhật mới kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động. Thời gian huấn luyện ít nhất bằng 50% thời gian huấn luyện lần đầu. Người làm công tác y tế thực hiện việc cập nhật kiến thức theo quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 73 Luật an toàn, vệ sinh lao động.
2. Huấn luyện định kỳ theo quy định tại Khoản 4 Điều 14 Luật an toàn, vệ sinh lao động
Người lao động thuộc nhóm 4 được huấn luyện định kỳ ít nhất mỗi năm 01 lần để ôn lại kiến thức đã được huấn luyện và cập nhật mới kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động. Thời gian huấn luyện định kỳ bằng 50% thời gian huấn luyện lần đầu.
3. Huấn luyện khi có sự thay đổi về công việc; thay đổi về thiết bị, công nghệ và huấn luyện sau thời gian nghỉ làm việc
a) Thay đổi công việc hoặc thay đổi thiết bị, công nghệ: Trước khi giao việc phải được huấn luyện nội dung về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với công việc mới hoặc thiết bị, công nghệ mới.
Trường hợp đối tượng đã được huấn luyện trong thời hạn dưới 12 tháng kể từ khi chuyển sang làm công việc mới hoặc kể từ khi có sự thay đổi thiết bị, công nghệ thì nội dung huấn luyện lại được miễn phần đã được huấn luyện.
b) Trở lại làm việc sau thời gian nghỉ làm việc
Cơ sở ngừng hoạt động hoặc người lao động nghỉ làm việc từ 06 tháng trở lên thì trước khi trở lại làm việc, người lao động được huấn luyện lại nội dung như đối với huấn luyện lần đầu. Thời gian huấn luyện lại bằng 50% thời gian huấn luyện lần đầu.
Người huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (sau đây gọi tắt là người huấn luyện) phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
1. Huấn luyện nội dung hệ thống pháp Luật an toàn, vệ sinh lao động
Người huấn luyện nội dung hệ thống pháp Luật an toàn, vệ sinh lao động là người có trình độ đại học trở lên, ít nhất 05 năm làm công việc xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý, thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ quan có chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến công tác an toàn, vệ sinh lao động.
2. Huấn luyện nội dung nghiệp vụ công tác an toàn, vệ sinh lao động và nội dung kiến thức cơ bản về an toàn, vệ sinh lao động
Người huấn luyện nội dung nghiệp vụ công tác an toàn, vệ sinh lao động và nội dung kiến thức cơ bản về an toàn, vệ sinh lao động là người có trình độ đại học trở lên chuyên ngành kỹ thuật và đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau:
a) Có ít nhất 05 năm làm công việc xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý, thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ quan có chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến công tác an toàn, vệ sinh lao động;
b) Có ít nhất 07 năm làm công việc về an toàn, vệ sinh lao động ở đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và phải tham gia khóa huấn luyện về chuyên môn và nghiệp vụ huấn luyện.
3. Huấn luyện lý thuyết chuyên ngành
Người huấn luyện lý thuyết chuyên ngành là người có trình độ đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành huấn luyện và đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau:
a) Có ít nhất 05 năm làm công việc xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý, thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ quan có chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến công tác an toàn, vệ sinh lao động;
b) Có ít nhất 05 năm làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và tham gia khóa huấn luyện về chuyên môn và nghiệp vụ huấn luyện.
4. Huấn luyện thực hành:
a) Huấn luyện thực hành nhóm 2: Người huấn luyện có trình độ từ cao đẳng trở lên, phù hợp với chuyên ngành huấn luyện, thông thạo công việc thực hành đối với máy, thiết bị, hóa chất, công việc được áp dụng thực hành theo chương trình khung huấn luyện;
b) Huấn luyện thực hành nhóm 3: Người huấn luyện có trình độ trung cấp trở lên phù hợp với chuyên ngành huấn luyện; có ít nhất 05 năm làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, hoặc làm công việc có liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động ở cơ sở phù hợp với công việc huấn luyện;
c) Huấn luyện thực hành nhóm 4: Người huấn luyện có trình độ trung cấp kỹ thuật trở lên, phù hợp với chuyên ngành huấn luyện hoặc người có thời gian làm việc thực tế ít nhất 05 năm;
d) Huấn luyện thực hành sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động: Người huấn luyện có trình độ từ cao đẳng chuyên ngành y trở lên và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trực tiếp tham gia công tác sơ cứu, cấp cứu hoặc có trình độ bác sĩ;
đ) Người huấn luyện thực hành bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định tại các điểm a, b và c Khoản này, đồng thời phải tham gia khóa huấn luyện về nghiệp vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động hoặc có ít nhất 5 năm làm công việc xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý, thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến công tác an toàn, vệ sinh lao động.
5. Huấn luyện nội dung chuyên môn về y tế lao động
Người huấn luyện phải có trình độ bác sĩ trở lên và đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau:
a) Có ít nhất 05 năm làm công việc xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý, thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ quan có chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến công tác an toàn, vệ sinh lao động;
b) Có ít nhất 05 năm làm công việc trong lĩnh vực có liên quan đến bệnh nghề nghiệp, vệ sinh lao động, sơ cứu, cấp cứu, dinh dưỡng, phòng chống dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm.
6. Định kỳ 02 năm, người huấn luyện phải tham dự khóa tập huấn cập nhật kiến thức, thông tin, chính sách, pháp luật, khoa học, công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động ít nhất một lần; trừ người huấn luyện chuyên môn vệ sinh lao động, y tế lao động, sơ cứu, cấp cứu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
1. Cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức khác có trách nhiệm xác nhận thời gian người lao động đã làm việc hoặc đã làm công việc huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động tại đơn vị mình.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết Khoản 1 Điều này.