Quy chuẩn quốc gia An toàn trong Xây dựng
QCVN 18:
2014/BXD
QUY CHUẨN KỸ
THUẬT QUỐC GIA
AN TOÀN TRONG XÂY DỰNG
National
technical regulation on Safety in Construction
MỤC LỤC
Mục lục
Lời nói đầu
1 Quy định chung
1.1 Phạm vi điều chỉnh
1.2 Đối tượng áp dụng
1.3 Tài liệu viện dẫn
1.4 Giải thích từ ngữ
2 Quy định kỹ thuật
2.1 Yêu cầu chung
2.2 Tổ chức mặt bằng công trường
2.3 Lắp đặt và sử dụng điện trong thi công
2.4 Công tác bốc xếp và vận chuyển
2.5 Sử dụng dụng cụ cầm tay
2.6 Sử dụng xe máy xây dựng
2.7 Công tác khoan
2.8 Giàn giáo, giá đỡ và thang
2.9 Công tác hàn
2.10 Tổ chức mặt bằng và sử dụng máy ở các xưởng gia công
phụ
2.11 Sử dụng bi tum, ma tít và lớp cách ly
2.12 Công tác đất
2.13 Công tác móng và hạ giếng chìm
2.14 Thi công các công trình ngầm
2.15 Công tác sản xuất vữa và bê tông
2.16 Công tác xây
2.17 Công tác cốp pha, cốt thép và bê tông
2.18 Công tác lắp ghép
2.19 Làm việc trên cao và mái
2.20 Công tác hoàn thiện
2.21 Công tác lắp ráp thiết bị công nghệ và đường ống dẫn
2.22 Công tác lắp đặt thiết bị điện và mạng lưới điện
2.23 Công tác tháo dỡ, sửa chữa, mở rộng nhà và công trình
2.24 Thi công trên mặt nước
3. Tổ chức thực hiện
Lời nói đầu
QCVN 18: 2014/BXD do Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng biên
soạn, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường trình duyệt, Bộ Khoa học Công nghệ
thẩm định, Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Thông tư số: 14/2014/TT-BXD ngày 05
tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
QUY CHUẨN KỸ
THUẬT QUỐC GIA
VỀ AN TOÀN TRONG XÂY DỰNG
National
technical regulation on Safety in Constructions
1 Quy định chung
1.1 Phạm vi điều chỉnh
Quy chuẩn này quy định những yêu cầu kỹ thuật an toàn trong
xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đô thị (sau đây
gọi tắt là công trình xây dựng).
Các yêu cầu về trang bị an toàn cho người lao động, kiểm
định an toàn máy móc trên công trường tuân theo các quy định hiện hành của Bộ
Lao động Thương binh và Xã hội.
1.2 Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn này áp dụng cho các tổ chức và cá nhân có liên
quan đến hoạt động xây dựng công trình.
1.3 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau là cần thiết cho việc áp dụng quy
chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản
được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên
bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
QCVN 01: 2008/BCT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn
điện;
QCVN 02: 2008/BCT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn
trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp;
QCVN QTĐ-5: 2009/BCT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kỹ
thuật điện, Tập 5 - Kiểm định trang thiết bị hệ thống điện;
QCVN QTĐ-06: 2009/BCT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kỹ
thuật điện, Tập 6 - Vận hành, sửa chữa trang thiết bị hệ thống điện;
QCVN QTĐ-07: 2009/BCT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kỹ
thuật điện, Tập 7 - Thi công các công trình điện;
QCVN 02: 2011/BLĐTBXH, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an
toàn lao động đối với thang máy điện;
QCVN 03: 2011/BLĐTBXH Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an
toàn lao động đối với máy hàn điện và công việc hàn điện;
QCVN 07: 2012/BLĐTBXH Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an
toàn lao động đối với thiết bị nâng.
1.4 Giải thích từ ngữ
Các từ ngữ trong Quy chuẩn này được hiểu như sau:
1.4.1 Cơ
quan chức năng có thẩm quyền: là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về xây dựng
ban hành các quy định về hoạt động xây dựng; thanh tra, kiểm tra về xây dựng
theo quy định của pháp luật.
1.4.2 Người
lao động: là người đang làm việc trong công trường hoặc cơ sở sản xuất của
ngành Xây dựng.
1.4.3 Xe
máy xây dựng: là các phương tiện vận chuyển cơ giới và các trang thiết bị
phục vụ thi công xây lắp tại các công trình xây dựng.
2 Quy định về kỹ thuật
2.1 Yêu cầu chung
2.1.1
Không được phép thi công khi chưa có đầy đủ các hồ sơ (tài liệu) thiết kế biện
pháp kỹ thuật và tổ chức thi công, trong đó phải thể hiện các biện pháp kỹ
thuật đảm bảo an toàn lao động và phòng chống cháy, nổ.
2.1.2
Người lao động làm việc trên cao và dưới hầm sâu phải có túi đựng dụng cụ đồ
nghề. Không được thả, ném các loại vật liệu, dụng cụ, đồ nghề trên cao xuống.
2.1.3 Chỉ
những người lao động được huấn luyện và đáp ứng các yêu cầu về bơi lội mới được
làm việc trên sông nước; phải được trang bị đầy đủ thuyền, phao và các dụng cụ
cấp cứu cần thiết khác theo đúng chế độ quy định. Đối với thợ lặn phải thực
hiện đầy đủ các quy định về chế độ làm việc, bồi dưỡng và bảo vệ sức khoẻ. Tất
cả thuyền, phao và các dụng cụ cấp cứu khác phải được kiểm tra để đảm bảo chất
lượng trước khi sử dụng.
2.1.4
Người lao động làm việc trên công trường phải sử dụng đúng và đủ các phương
tiện bảo vệ cá nhân theo quy định.
GHI CHÚ: Một số ví dụ cụ thể: Về yêu cầu đối với công nhân
hàn điện, theo 3.4.2 của QCVN 3: 2011/BLĐTBXH; Về yêu cầu về quản lý sử dụng an
toàn thiết bị nâng, theo 3.6 của QCVN 7: 2012/BLĐTBXH...
2.1.5 Khi
làm việc trên cao (từ 2 m trở lên) hoặc chưa đến độ cao đó, nhưng dưới chỗ làm
việc có các vật chướng ngại nguy hiểm, thì phải trang bị dây an toàn cho người
lao động hoặc lưới bảo vệ. Nếu không làm được sàn thao tác có lan can an toàn,
không cho phép người lao động làm việc khi chưa đeo dây an toàn.
2.1.6
Không được thi công cùng một lúc ở hai hoặc nhiều tầng trên một phương thẳng
đứng, nếu không có thiết bị bảo vệ an toàn cho người làm việc ở dưới.
2.1.7
Không được làm việc trên giàn giáo, ống khói, đài nước, cột điện, trụ hoặc dầm
cầu, mái nhà hai tầng trở lên khi mưa to, giông, bão hoặc có gió từ cấp 5 trở
lên.
2.1.8 Sau
mỗi đợt mưa bão, có gió lớn hoặc sau khi ngừng thi công nhiều ngày, phải kiểm
tra lại các điều kiện an toàn trước khi thi công tiếp.
2.1.9 Phải
có đủ biện pháp thông gió và phương tiện đề phòng khí độc hoặc sập lở khi làm
việc dưới các giếng sâu, hầm ngầm hoặc trong các thùng kín. Trước và trong quá
trình làm việc phải có chế độ kiểm tra chặt chẽ và có người trực bên ngoài,
nhằm bảo đảm liên lạc thường xuyên giữa bên trong và bên ngoài và kịp thời cấp
cứu khi xảy ra tai nạn.
2.1.10 Trên
công trường phải bố trí hệ thống đèn chiếu sáng đầy đủ trên các tuyến đường
giao thông và các khu vực đang thi công về ban đêm. Không cho phép làm việc ở
những chỗ không được chiếu sáng. Chiếu sáng tại chỗ làm việc từ 100 đến 300
lux, chiếu sáng chung từ 30 đến 80 lux.
2.1.11 Phải
có hệ thống chống sét bảo vệ toàn bộ công trường trong quá trình thi công xây
dựng.
2.1.12 Khi
trên công trường xây dựng có nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ hoặc ở những công
trường xây dựng có chứa các nguồn phóng xạ tự nhiên, cần phải tuân thủ theo quy
định hiện hành của Nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ.
2.1.13 Công
trường phải có sổ nhật ký an toàn lao động và ghi đầy đủ tình hình sự cố, tai
nạn, biện pháp khắc phục và xử lý trong quá trình thi công.
2.1.14 Trên
công trường xây dựng, mọi vị trí làm việc đều phải giữ gọn gàng, ngăn nắp. Các
thiết bị, dụng cụ luôn phải đặt đúng nơi quy định. Các chất thải, vật liệu thừa
phải được thu dọn thường xuyên.
2.2 Tổ chức mặt bằng công trường
2.2.1 Yêu cầu chung
2.2.1.1 Xung
quanh khu vực công trường phải được rào ngăn và bố trí trạm gác không cho người
không có nhiệm vụ ra vào công trường. Trong trường hợp có đường giao thông công
cộng chạy qua công trường, thì phải mở đường khác hoặc phải có biển báo ở hai
đầu đoạn đường chạy qua công trường để các phương tiện giao thông qua lại giảm
tốc độ.
2.2.1.2 Trên
mặt bằng công trường và các khu vực thi công phải có hệ thống thoát nước đảm
bảo mặt bằng thi công khô ráo, sạch sẽ. Không được để đọng nước trên mặt đường
hoặc để nước chảy vào hố móng công trình. Những công trường ở gần biển, sông,
suối phải có phương án phòng chống lũ lụt, sạt lở đất.
2.2.1.3 Các
công trình phụ trợ phát sinh yếu tố độc hại phải được bố trí ở cuối hướng gió,
đảm bảo khỏang cách đến nơi ở của cán bộ, người lao động trên công trường và
dân cư địa phương hoặc có biện pháp ngăn ngừa độc hại theo đúng quy định hiện
hành của Nhà nước.
2.2.1.4
Giếng, hầm, hố trên mặt bằng và những lỗ trống trên các sàn tầng công trình
phải được đậy kín đảm bảo an toàn cho người đi lại hoặc rào ngăn chắc chắn xung
quanh với chiều cao tối thiểu 1 m. Đối với đường hào, hố móng nằm gần đường
giao thông, phải có rào chắn cao trên 1 m, ban đêm phải có đèn báo hiệu.
2.2.1.5 Phải
có giải pháp chuyển vật liệu thừa, vật liệu thải từ trên cao (trên 3 m) xuống.
Không được đổ vật liệu thừa, vật liệu thải từ trên cao xuống khi khu bên dưới
chưa rào chắn, chưa đặt biển báo và chưa có người cảnh giới.
2.2.1.6 Phải
có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và vật (như rào chắn, đặt biển báo, hoặc
làm mái che, …) ở những vùng nguy hiểm do vật có thể rơi tự do từ trên cao
xuống. Giới hạn của vùng nguy hiểm này được xác định theo Bảng 1.