Điều 14
(Trở về mục lục QTATĐ)
Điều
14. Nối đất tại vị trí làm việc trên đường dây
Khi làm việc trên
đường dây (cả cao áp và hạ áp) đã cắt điện hoặc đang xây dựng mới gần đường dây
đang vận hành được thực hiện như sau:
1.
Tại
vị trí làm việc phải có nối đất dây dẫn, nếu nối đất này cản trở đến công việc
hoặc khó thực hiện thì được phép làm ở vị trí liền kề gần nhất vị trí làm việc.
Khi công việc có tháo rời dây dẫn thì phải nối đất ở hai phía chỗ định tháo rời
trước khi tháo.
2.
Khi
chỉ làm việc tại hoặc gần (kể cả khi mang dụng cụ) dây dẫn một pha của đường
dây trên không điện áp từ 110 kV trở lên thì tại vị trí làm việc chỉ cần nối
đất dây dẫn của pha đó với điều kiện khoảng cách giữa dây dẫn các pha không nhỏ
hơn 3,0 m đối với đường dây 110 kV; 5,0 m đối với đường dây 220 kV; 10,0 m đối
với đường dây 500 kV. Chỉ được làm việc ở dây dẫn của pha đã nối đất, dây dẫn
của hai pha không nối đất phải được coi như có điện.
3.
Khi
làm việc tại khoảng cột vượt lớn qua các sông, hồ, kênh, vịnh có tàu thuyền qua
lại dùng cột vượt cao 50 m trở lên với chiều dài khoảng vượt từ 500 m trở lên
hoặc chiều dài khoảng vượt từ 700 m trở lên với cột có chiều cao bất kỳ thì
phải nối đất tại cột vượt và cột hãm liền kề ở cả hai phía.
4.
Khi
cùng làm việc ở nhiều vị trí trên một đoạn đường dây không có nhánh rẽ phải làm
nối đất ở hai đầu khu vực làm việc, khoảng cách xa nhất giữa hai bộ nối đất
không lớn hơn 2,0 km đối với lưới điện phân phối và không lớn hơn một khoảng
néo đối với lưới điện truyền tải. Nếu đoạn đường dây nói trên đi bên cạnh (song
song) hoặc giao chéo với đường dây cao áp có điện thì khoảng cách xa nhất giữa
hai bộ nối đất không lớn hơn 500 m đối với lưới điện phân phối và không lớn hơn
một khoảng cột đối với lưới điện truyền tải.
5.
Trường
hợp làm việc trên đoạn đường dây có nhánh rẽ mà không cắt được dao cách ly thì
mỗi nhánh phải làm một bộ nối đất ở đầu nhánh.
6.
Khi
làm việc tại nhánh rẽ vào trạm, nếu dài không quá 200 m được phép làm một bộ
nối đất ở phía nguồn điện đến và đầu kia phải cắt dao cách ly vào máy biến áp.
7. Đối với đường cáp ngầm phải đặt nối đất hai đầu của đoạn cáp tiến hành công
việc. Trường hợp làm việc tại một đầu cáp mà theo yêu cầu công việc không thể nối
đất được tại đầu cáp này thì trong thời gian thực hiện công việc đó phải có nối
đất ở đầu cáp còn lại. Trường hợp làm việc tại vị trí đấu các đầu cáp chuyển
tiếp thì phải đặt nối đất tại đầu còn lại của các sợi cáp. Khi thử nghiệm cáp
ngầm (thử cao áp, đo cách điện, thử thông mạch,...) cho phép tháo nối đất hai đầu
nhưng phải cử người giám sát ở đầu cáp còn lại.
8.
Đối
với đường dây bọc, nếu tại vị trí công tác không có đấu nối hoặc đấu nối bảo
đảm kín (cách điện), và nếu không tháo rời dây dẫn thì phải đặt tiếp đất ở các
điểm nối dây dẫn liền kề. Nếu thực hiện giải pháp khác, thì giải pháp này và vị
trí tiếp đất phải được xác định ngay từ khi khảo sát.
9.
Đối
với cáp vặn xoắn và dây bọc hạ áp cần tạo các điểm để khi thực hiện công việc
đơn vị công tác có vị trí thực hiện tiếp đất thuận lợi và chặn được các nguồn
điện tới vị trí làm việc. Trường hợp làm việc trên đường dây hạ áp cho phép làm
nối đất di động bằng cách chập cả 3 pha với dây trung tính và nối với đất.
Trong trường hợp không thực hiện được tiếp đất, thì công tác này được xem là
công tác hotline (đơn vị công tác phải thực hiện theo quy trình đảm bảo an toàn
riêng được cấp có thẩm quyền phê duyệt).
10.
Người
chỉ huy trực tiếp phân công nhân viên đơn vị công tác thực hiện đặt và tháo nối
đất di động.
11.
Người chỉ huy trực tiếp quyết định và chịu trách
nhiệm về việc cho phép tháo dỡ tạm thời nối đất di động do đơn vị công tác làm
để thực hiện các công việc cần thiết, nếu sau khi kết thúc công việc này, đơn vị công tác
vẫn còn làm việc thì người chỉ huy trực tiếp phải đảm bảo việc tái lập nối đất
như ban đầu.