Kỹ thuật điện - An toàn điện - An toàn vệ sinh lao động - Quy trình, Quy phạm, quy định - Năng lượng mặt trời

Menu

Chương VII

(Trở về mục lục QTATĐ)
Chương VII
BIỆN PHÁP AN TOÀN TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ,
VẬN HÀNH, SỬA CHỮA, XÂY DỰNG ĐƯỜNG DÂY CAO, HẠ ÁP
Mục 1
BIỆN PHÁP AN TOÀN CHUNG
Điều 63. Kiểm tra định kỳ đường dây
1. Đi kiểm tra đường dây, thiết bị bằng mắt thì được phép làm việc 01 người. Phải xem như đường dây đang có điện, kiểm tra tiến hành trên mặt đất, ban đêm phải có đèn soi, chú ý dây dẫn bị chùng võng và đứt, rơi.
2. Khi thấy dây dẫn đứt, rơi xuống đất hoặc còn lơ lửng phải có biện pháp để không cho mọi người tới gần dưới 10 m, kể cả bản thân. Nếu là nơi có người qua lại thì phải cử người đứng gác và báo ngay cho trực ca điều độ (hoặc trưởng ca vận hành lưới điện, nhà máy điện) biết. Nếu giao cho người khác đứng gác thì phải giải thích kỹ biện pháp an toàn cho người đứng gác biết.
3. Khi trèo lên cột phải kiểm tra sơ bộ tình trạng của móng cột và cột. Cấm trèo phía đặt tay xà có sứ đỡ dây dẫn.
4. Khi tiến hành đo nối đất đường dây đang vận hành thì phải đảm bảo các điều kiện sau:

          a) Trời không có mưa, giông, sét;
b) Nếu đường dây có bảo vệ bằng dây chống sét thì khi tháo dây nối đất phải mang găng tay cách điện, hoặc trước khi tháo, đầu dây nối đất ở cột phải  được nối tắt tạm thời vào một cọc nối đất bằng một đoạn dây dẫn có tiết diện tối thiểu 10 mm2.

Điều 64. Làm việc trên đường dây đã cắt điện
1.  Phải có nối đất tại nơi làm việc theo quy định tại Điều 14 Quy trình này.
2.  Nếu làm việc vào ban đêm phải có đủ ánh sáng.
3.  Các công việc làm ở trên đường dây cao áp phải có ít nhất 02 người thực hiện. Cho phép 01 người tiến hành các công việc như treo (in) biển báo, sửa chân cột, đánh số cột,… mà không trèo lên cột cao quá 2,0 m và không sửa chữa các cấu kiện của cột.
4.  Khi có giông, bão hoặc sắp có giông, bão người chỉ huy trực tiếp phải cho đơn vị công tác ra khỏi khu vực nguy hiểm do đứt dây hoặc đổ, gẫy cột,...
5.  Cấm làm việc trên đường dây khi bắt đầu có gió cấp 6 trở lên hoặc có mưa nặng hạt, nước chảy thành dòng trên người và thiết bị trừ trường hợp đặc biệt khi có lệnh khẩn cấp của cấp có thẩm quyền.
6.  Khi công tác trên chuỗi sứ, chỉ cho phép người di chuyển dọc chuỗi sứ sau khi đã xem xét kỹ chuỗi sứ, không có vết nứt ở đầu sứ hay các phụ kiện khác, các móc nối, khoá, chốt còn tốt và đủ. Người làm việc phải sử dụng dây an toàn phụ cài chặt vào xà hoặc đầu cột.
7.  Khi tiến hành công tác trên đường dây vượt đường sắt, đường bộ, đường sông phải áp dụng các biện pháp như sau:
a) Giao chéo với đường sắt, đường sông phải báo trước cho cơ quan quản lý đường sắt, đường sông và mời đại diện của họ tới điểm công tác để phối hợp, đảm bảo an toàn cho hai bên và cộng đồng;
b) Giao chéo với đường bộ phải cử người cảnh giới cầm cờ đỏ (hoặc đèn đỏ nếu là ban đêm), đứng cách nơi làm việc với khoảng cách hợp lý về hai phía để báo hiệu. Nếu có nhiều xe qua lại thì phải bắc giàn giáo.
Điều 65. Chặt (cưa) cây ở gần đường dây
Việc chặt cây ở gần đường dây phải thực hiện những quy định như sau:
1.  Người chưa huấn luyện và kiểm tra, chưa có kinh nghiệm không trực tiếp chặt cây.
2.  Người chỉ huy trực tiếp phải thông báo cho nhân viên đơn vị công tác biết về nguy hiểm khi trèo lên cây, khi cây và dây thừng tiếp xúc hoặc vi phạm khoảng cách an toàn với dây dẫn.
3.  Cấm chặt cây khi có gió cấp 4 trở lên, trừ trường hợp đặc biệt khi có lệnh khẩn cấp của cấp có thẩm quyền. Cấm cưa cây sẵn hàng loạt rồi làm đổ cây bằng cách cho cây này làm đổ cây kia. Cấm đứng ở phía cây đổ và phía đối diện. Để tránh cây khỏi đổ vào đường dây phải dùng dây thừng buộc và kéo về phía đối diện với đường dây.
4.  Khi chặt cây phải chặt cành mục, cây mục trước, khi cây sắp đổ, cành sắp gẫy phải báo cho người xung quanh biết.
5.  Khi sử dụng dụng cụ để chặt cây phải dùng dây để buộc chuôi dao với cổ tay tránh rơi vào người khác. Dây an toàn phải được mắc, quàng vào cành cây hoặc thân cây chắc chắn.
6.  Trường hợp sử dụng cưa máy, sào cách điện để cưa cây, cắt cây thì người thực hiện phải được huấn luyện thành thạo quy trình sử dụng cưa máy, sào cắt cây. Khi cưa cây phải có biện pháp tránh cưa rơi xuống đất gây nguy hiểm cho người bên dưới.
7.  Phải cắt điện đường dây khi chặt cây, chặt cành có khả năng đổ, rơi vào đường dây. Nếu không cắt điện thì phải có biện pháp để hạ cây, cành an toàn.



Mục 2BIỆN PHÁP AN TOÀN KHI LÀM CÔNG VIỆCTRÊN ĐƯỜNG DÂY CAO ÁP ĐANG VẬN HÀNH

Điều 66. Làm việc trên cột có đường dây đang vận hành
1. Công việc tại móng cột, trèo lên cột dưới 2,0 m, không tháo dỡ cấu kiện cột được phép làm việc 01 người có bậc 2 an toàn điện trở lên.
2. Công việc có trèo lên cột từ 2,0 m trở lên và cách dây dẫn cuối cùng theo chiều thẳng đứng tối thiểu bằng khoảng cách quy định tại Khoản 2 Điều 8 Quy trình này (cụ thể như: đặt, tháo thiết bị đếm sét, thay thanh giằng, sơn và sửa chữa cục bộ trên cột). Khi tiến hành công việc phải tuân thủ các biện pháp an toàn khi làm việc trên cao và đảm bảo khoảng cách an toàn cho phép.
3. Công việc có trèo lên cột ở vị trí cao hơn quy định về khoảng cách tại Khoản 2 (cụ thể như: sơn xà và phần trên của cột, gỡ tổ chim, kiểm tra dây dẫn, dây chống sét, mối nối, sứ và các phụ kiện khác), làm ở các đường dây 01 mạch, 02 mạch (bố trí dây dẫn bất kỳ), 04 và 06 mạch phải đảm bảo quy định sau đây:
a)  Khoảng cách nằm ngang nhỏ nhất từ mép ngoài cùng của thân cột đến dây dẫn theo quy định như sau:
Cấp điện áp đường dây (kV)
Khoảng cách nằm ngang nhỏ nhất (m)
Đến 110
1,5
220
2,5
500
4,5
b)  Cấm làm việc khi có gió cấp 4 trở lên, hoặc trời âm u, có sương mù, mưa và đêm tối, đồng thời phải ngừng ngay công việc khi có các hiện tượng này.
c)   Khi làm việc với mạch điện có điện áp từ 1.000 V trở lên như kiểm tra, sửa chữa và vệ sinh phần đang mang điện hoặc sứ cách điện mà có nguy cơ bị điện giật cho nhân viên đơn vị công tác, người sử dụng lao động phải yêu cầu nhân viên đơn vị công tác sử dụng các trang bị, dụng cụ cho làm việc có điện, trong trường hợp này khoảng cách cho phép nhỏ nhất đối với thân thể của nhân viên đơn vị công tác phải bảo đảm tương ứng theo cấp điện áp công tác của mạch điện quy định ở bảng sau:
Cấp điện áp đường dây (kV)
Khoảng cách cho phép nhỏ nhất (m)
Đến 35
0,6
110
1,0
220
2,0
500
4,0
d)  Nhân viên đơn vị công tác không được thực hiện công việc có điện một mình. Trong trường hợp khẩn cấp, nhân viên đơn vị công tác phải báo cáo với người có trách nhiệm và chờ lệnh của người chỉ huy trực tiếp.
e)  Khi chuyển các dụng cụ hoặc chi tiết bằng kim loại lên cột phải bảo đảm cho chúng không đến gần dây dẫn với khoảng cách quy định tại Điểm c Khoản 3 này.
f)   Những người làm công việc tại Khoản 3 này phải được đào tạo, huấn luyện, qua thao diễn thực hành thông thạo trên đường dây đã cắt điện và đường dây có điện, sau đó kiểm tra bằng bài viết, vấn đáp trực tiếp đạt yêu cầu. Nhân viên đơn vị công tác phải có bậc 3 an toàn điện trở lên. Các biện pháp an toàn cụ thể, do đơn vị công tác thực hiện.
g)  Khi sơn xà và phần trên của cột ngoài những quy định ở Điểm c và f Khoản 3 này phải thực hiện như sau:
Cấm đứng thẳng để di chuyển người dọc theo xà;
Nếu phía trên có dây dẫn, dây chống sét thì phải đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định và khoảng cách đến các phần mang điện khác theo Điểm c, Khoản 3 này;
Khi sơn, tránh để sơn rơi lên dây dẫn và sứ;
Chổi sơn phải làm bằng cán gỗ hoặc vật liệu cách điện không dài quá 10 cm.

Mục 3BIỆN PHÁP AN TOÀN KHI LÀM CÔNG VIỆCGẦN ĐƯỜNG DÂY ĐANG VẬN HÀNH

Điều 67. Những loại công việc làm gần đường dây đang vận hành
Công việc làm gần đường dây đang vận hành bao gồm:
1. Làm việc trên đoạn đường dây đã cắt điện, nhưng giao chéo với đường dây đang vận hành.
2. Làm việc trên đoạn đường dây đã cắt điện nhưng có chiều dài từ 2,0 km trở lên đi bên cạnh hoặc song song và cách đường dây đang vận hành với khoảng cách nhỏ hơn quy định như sau:
Cấp điện áp đường dây (kV)
Khoảng cách nhỏ hơn  (m)
110
100
220
150
500
200
3. Làm việc trên đường dây đã cắt điện nhưng đi chung cột với đường dây đang vận hành.
Điều 68. Làm việc trên đường dây đã cắt điện nhưng giao chéo hoặc song song với đường dây đang vận hành
Khi làm việc trên đường dây đã cắt điện nhưng giao chéo hoặc song song với đường dây đang vận hành phải thực hiện những quy định sau đây:
1. Nếu người và phương tiện làm việc không vi phạm khoảng cách an toàn cho phép hoặc áp dụng các biện pháp an toàn phòng tránh khác thì không phải cắt điện đường dây ở gần với đường dây sẽ làm việc.
2. Khi tháo hoặc nối dây trong khoảng cột giao chéo với đường dây đang vận hành thì phải cắt điện các đường dây ở phía dưới đường dây sửa chữa.
Trường hợp không thể cắt điện đường dây ở phía dưới để căng, kéo dây đường dây phía trên thì cho phép làm giàn giáo để cách ly với đường dây có điện. Trong trường hợp này giàn giáo phải đảm bảo tiêu chuẩn quy định, đảm bảo khoảng cách an toàn đối với đường dây có điện. Trong thời gian làm giàn giáo phải cắt điện đường dây phía dưới và việc làm giàn giáo này phải được lập thành phương án cụ thể, được cấp có thẩm quyền của đơn vị làm công việc phê duyệt.
3. Nếu có tháo hay lắp dây dẫn thì phải đề phòng khả năng dây bật lên trên đường dây có điện, bằng cách dùng dây thừng choàng qua dây dẫn ở cả hai đầu và ghì xuống đất. Dây dẫn và dây chống sét sắp đưa lên cột phải được nối đất, nếu là đường dây giao chéo thì phải nối đất ở hai phía.
4. Khi thi công, khoảng cách nhỏ nhất cho phép giữa dây cáp thép (cáp hãm, kéo) và dây chằng thép tới dây dẫn của đường dây đang có điện được quy định như sau:
Cấp điện áp (kV)
Khoảng cách nhỏ nhất (m)
Đến 35
2,5
110
3,0
220
4,0
500
6,0
Nếu dây chằng có thể dịch lại gần dây dẫn đang có điện ở khoảng cách nhỏ hơn khoảng cách được quy định tại Khoản 4 này thì phải dùng dây néo để kéo dây chằng đủ cách xa dây dẫn. Dây cáp thép (cáp kéo) phải bố trí sao cho khi bị đứt cũng không thể văng về phía dây dẫn đang có điện.
5. Khi sử dụng thiết bị, dụng cụ, phương tiện làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp phải đảm bảo khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp và được quy định như sau:
Cấp điện áp (kV)
Khoảng cách nhỏ nhất (m)
Đến 35
4,0
110
6,0
220
6,0
500
8,0
Điều 69. Làm việc trên đường dây đã cắt điện nhưng đi chung cột với đường dây đang vận hành
1. Khi làm việc trên đường dây đã cắt điện nhưng đi chung cột với đường dây đang vận hành phải thực hiện những quy định sau đây:
a) Khoảng cách nhỏ nhất giữa các dây dẫn gần nhất của hai mạch không nhỏ hơn quy định như sau:
Cấp điện áp đường dây (kV)
Khoảng cách nhỏ nhất (m)
Đến 35
3,0
110
4,0
220
6,0
500
8,5
Đối với đường dây điện áp đến 35 kV khi khoảng cách giữa hai dây dẫn gần nhất của hai mạch nhỏ hơn 3,0 m quy định trong bảng trên nhưng phải lớn hơn từ 2,0 m trở lên thì cho phép tiến hành công việc có trèo lên cột ở mạch đã cắt điện khi mạch kia vẫn còn điện (trừ việc kéo dây chống sét) song phải áp dụng các biện pháp ngăn ngừa khả năng vi phạm khoảng cách quy định tại Khoản 2 Điều 8 Quy trình này với mạch đang mang điện trong quá trình làm việc.
b) Người chỉ huy trực tiếp phải kiểm tra đúng tuyến đường dây đã được cắt điện, đồng thời phải có đủ các loại biển báo an toàn, cờ để treo ở các cột hai đường dây đi chung và thực hiện đủ, đúng các biện pháp an toàn khi trèo cao quy định trong Quy trình này.
2. Khi làm việc trên đường dây cao áp đến 35 kV đã cắt điện nhưng phía dưới có đường dây hạ áp đi chung cột đang vận hành, trong trường hợp không thể cắt điện đường dây hạ áp ở phía dưới để căng, kéo dây đường dây phía trên thì phải được lập thành phương án cụ thể, được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Cấm làm việc khi có gió cấp 4 trở lên, sương mù dày và ban đêm; Cấm ra dây dẫn trên cột, cuộn dây dẫn thành cuộn trên cột, dùng thước đo bằng kim loại.
Điều 70. Lắp đặt trên đường dây nhiều mạch khi các mạch còn lại đang vận hành
Khi lắp đặt trên cột của đường dây nhiều mạch đang vận hành thực hiện những quy định sau đây:
1.  Cấm dùng thước làm bằng thép (kim loại) để đo.
2.  Không buông thõng tự do các đầu dây thừng.
3.  Kéo lên cột hoặc thả xuống đất các chi tiết nhỏ và dụng cụ làm việc phải dùng dây thừng vô tận. Các chi tiết và dụng cụ chuyển lên cột bằng dây thừng vô tận chỉ được tháo ra khỏi dây này sau khi chúng đã được đặt vào vị trí và bắt chặt vào cột. Dụng cụ, đồ nghề phải đựng trong túi chuyên dùng.



4.   Cấm trèo lên cột ở phía dây dẫn có điện.
5.  Cấm người đến gần dây dẫn có điện. Khoảng cách nhỏ nhất từ người (kể cả dụng cụ khi cầm, mang) đến dây dẫn có điện quy định như sau:
Cấp điện áp (kV)
Khoảng cách nhỏ nhất (m)
Đến 35
0,6
Trên 35 đến 110
1,0
Trên 110 đến 220
2,0
Trên 220 đến 500
4,0
6.  Đơn vị công tác phải biết rõ tên và số hiệu mạch đường dây trên đó sẽ tiến hành công việc. Quy ước với chữ “phải” hoặc “trái” là nhìn theo dọc đường dây về phía số thứ tự cột tăng dần.
7.  Trong khi lấy độ võng phải nối đất dây dẫn đang lắp đặt tại cột néo tiến hành kéo dây. Ở cột kim loại, dây dẫn được coi như đã được nối đất qua ròng rọc kéo dây bằng kim loại treo vào thân cột, còn ở cột bê tông (phi kim loại, chưa có hệ thống nối đât) thì ròng rọc phải được nối đất riêng.
Khi lấy độ võng phải có biện pháp đề phòng việc dây dẫn đang kéo khỏi mặt đất chạm với vật đã nối đất.
8.  Trong quá trình lấy độ võng, cấm tiếp xúc với dây dẫn. Người chỉ huy trực tiếp phải có biện pháp đề phòng nhân viên đơn vị công tác và người ngoài chạm phải dây dẫn.
Khi đánh dấu dây dẫn phải dùng găng tay cách điện hoặc dùng chổi sơn cán gỗ.
9.  Dây dẫn thả xuống đất để bắt khoá kéo dây phải được nối đất ngay tại chỗ bắt khoá. Dây nối đất phải có 02 nhánh đấu với cọc nối đất chung và nối với dây dẫn ở cả hai bên chỗ bắt khoá. Khi đấu dây nối đất phải dùng dụng cụ cách điện. Khi bắt khoá kéo dây phải đứng trên tấm cách điện như ván, gỗ khô.
Dây dẫn phải cách ly với khoá kéo dây qua chuỗi sứ cách điện có ít nhất 02 bát.
10.  Việc chuyển dây dẫn từ ròng rọc sang khoá đỡ và việc nối đầu dây dẫn ở dây lèo cột néo hoặc cột đảo pha có thể tiến hành trên xe nâng, xe thang hoặc khi thả dây xuống đất. Nếu thả dây xuống đất thì vẫn phải nối đất dây dẫn mới được làm việc.
11.  Trước khi nối các đầu dây dẫn ở các dây lèo của cột đảo pha, phải nối đất cả 03 dây dẫn về hai phía cột bằng 06 dây nối đất (mỗi đầu dây dẫn phải đấu một đầu dây nối đất). Cả 06 dây nối đất này đều phải đấu vào một cọc nối đất chung.
Chỉ được nối các đầu dây lèo ở cột néo và chỗ đảo pha sau khi đã kết thúc mọi công việc lắp đặt và bàn giao xong ở các khoảng cột liền kề bên cạnh.
Điều 71. Dựng cột
1. Cấm đặt các phương tiện trục kéo ngay phía dưới dây dẫn của đường dây cao áp đang vận hành. Dây cáp kéo và cáp hãm phải bố trí sao cho khi dây cáp bị bật, đứt không thể văng về phía đường dây đang vận hành. Khoảng cách nhỏ nhất cho phép từ các dây cáp kéo và cáp hãm đến dây dẫn có điện như sau:
Cấp điện áp (kV)
Khoảng cách nhỏ nhất cho phép (m)
Đến 220
6,0
500
8,0
2. Chỉ được dùng dây thừng làm dây chằng néo về phía đường dây đang vận hành. Nếu muốn đảm bảo an toàn cơ học thì chỉ lúc nâng cột mới được dùng dây cáp thép. Khoảng cách nhỏ nhất cho phép từ dây chằng đến dây dẫn có điện như sau:
Cấp điện áp (kV)
Khoảng cách nhỏ nhất cho phép (m)
Đến 35
4,0
Đến 220
6,0
500
8,0
Nếu dây chằng có nguy cơ dịch chuyển tới gần dây dẫn điện với khoảng cách nhỏ hơn quy định trên (do dây bị đứt, móng néo bị bật v.v.) thì phải dùng dây chằng ngược để kéo lại.
4. Khi nâng cột phải nối đất các phần sau:
a) Thân của tời nâng cột, hãm cột;
b) Toàn bộ dây chằng bằng kim loại nếu là cột đang dựng bằng sắt.

Mục 4

BIỆN PHÁP AN TOÀN
KHI LÀM VIỆC TRÊN ĐƯỜNG DÂY HẠ ÁP

Điều 72. Làm việc trên đường dây hạ áp đang có điện
1. Khi làm việc với điện hạ áp đang có điện phải mang găng tay cách điện hạ áp.

2. Nếu trên cột có nhiều đường dây điện áp khác nhau thì phải có biển báo chỉ rõ điện áp từng đường dây. Khi tiến hành công việc, người cho phép và người chỉ huy trực tiếp phải xác định rõ đường dây sẽ tiến hành công việc thuộc trạm biến áp nào để làm đủ, đúng các biện pháp an toàn trước khi thực hiện việc cho phép làm việc.
3. Khi làm việc trên đường dây hạ áp có điện hoặc tiếp xúc trực tiếp với phần có điện hạ áp trong trạm điện phải thực hiện những quy định sau đây:
a) Trường hợp người làm việc tiếp xúc trực tiếp với dây dẫn, thiết bị mang điện hạ áp phải dùng dụng cụ cách điện có tay cầm chắc chắn và đảm bảo an toàn; đi giày hoặc ủng cách điện hoặc đứng trên thảm cách điện;

        b) Trường hợp người làm việc cách phần có điện hạ áp dưới 0,3 m phải dùng các tấm cách điện bằng bìa cách điện mi-ca, ni-lông hoặc ba-kê-lít để che, chắn.
4. Việc thay chì trên cột phải có 02 người và chỉ được tiến hành lúc trời khô ráo, không có giông, gió to, sấm sét. Mưa nhỏ hạt có thể cho phép trèo lên thay chì trên cột nhưng phải có đầy đủ dụng cụ an toàn như: Kìm cách điện, găng tay cách điện, tấm ni-lông để che chắn không chạm vào dây điện. Quần áo người công nhân phải khô ráo, cột có chỗ đứng chắc chắn.
5. Nếu thay sứ, căng lại dây, hạ dây, nâng dây trên những nhánh dây hạ áp đi vào các hộ phụ tải thì không phải cắt điện cả đường dây hạ áp đó mà chỉ phải tháo đầu dây đấu vào đường dây chính và cắt cầu dao ở cuối nhánh rẽ đi vào các hộ.
Điều 73. Làm việc trên đường dây hạ áp đi chung cột với đường dây cao áp
Làm việc trên đường dây hạ áp đi chung cột với đường dây cao áp đến 35 kV được thực hiện theo các điều kiện như sau:
1.  Phải kiểm tra khoảng cách từ chỗ làm việc trên đường dây hạ áp đến đường dây cao áp đi chung cột đó đảm bảo an toàn mới tiến hành công việc.
2.  Trường hợp đảm bảo khoảng cách quy định tại Khoản 1 Điều 69 Quy trình này, khi căng lại dây, thay dây trên đường dây chính dọc theo tuyến chỉ cần cắt điện đường dây hạ áp.



3.  Trường hợp không đảm bảo khoảng cách quy định tại Khoản 1 Điều 69 Quy trình này thì phải cắt điện cả 02 đường dây cao áp và hạ áp. Đường dây cao áp đã được cắt điện nhưng phải đặt dây nối đất để đảm bảo an toàn.
4.  Nếu trên cột có đường dây thông tin đi chung thì khi trèo phải dùng bút thử điện kiểm tra đường dây thông tin có bị chạm cáp lực hay không và kiểm tra đường dây thông tin có bị hở, bong tróc vỏ cách điện hay không.
Khi làm việc phải chú ý quan sát, tránh va chạm vào phần bị hở, tróc vỏ của đường dây thông tin hoặc đứng cao hơn đường dây thông tin, nếu chạm người vào cột thì không được chạm vào dây thông tin.


Danh mục:

  • Website: Kỹ thuật - An toàn và thông tin tổng hợp dành cho người làm công tác ATLĐ.