Kỹ thuật điện - An toàn điện - An toàn vệ sinh lao động - Quy trình, Quy phạm, quy định - Năng lượng mặt trời

Menu

Chương VI

(Trở về mục lục QTATĐ)

Chương VI

BIỆN PHÁP AN TOÀN KHI LÀM VIỆC VỚI THIẾT BỊ ĐIỆN

Điều 55. Khi vào trạm biến áp làm việc
1.  Khi làm công việc sửa chữa, lắp đặt thiết bị hoặc thí nghiệm phải có ít nhất 02 người.
2.  Nhân viên đi kiểm tra hoặc ghi chỉ số đồng hồ điện một mình không được vượt qua rào chắn hoặc tự ý sửa chữa, lắp đặt thiết bị.
3.  Các nhân viên làm việc, kiểm tra trong trạm phải chú ý những thiết bị đang vận hành bị mất điện, hoặc đã cắt điện nhưng chưa nối đất, hoặc thiết bị dự phòng đặt trong trạm có thể được khôi phục lại điện bất cứ lúc nào; cấm làm việc ở các thiết bị đó.
4.  Nếu mở cửa lưới kiểm tra thiết bị đang vận hành do người có bậc 3 an toàn điện trở lên và phải quan sát kỹ phần mang điện để đảm bảo khoảng cách an toàn. Khi có giông sét không được kiểm tra các trạm ngoài trời.
5.  Cấm cho người không có nhiệm vụ vào trạm, đối với những người vào tham quan, nghiên cứu phải do lãnh đạo đơn vị quản lý vận hành (hoặc kỹ thuật viên) hướng dẫn. Vào trạm làm việc, tham quan đều phải tuân thủ nội quy của trạm, những người vào lần đầu phải được hướng dẫn tỉ mỉ.
6.  Chìa khoá trạm phải ghi tên rõ ràng và được quản lý theo nội quy riêng. Mỗi khi rời khỏi trạm đều phải khoá và kiểm tra xem cửa đã khoá chặt chưa.
Điều 56.  Làm việc trong khu vực thiết bị điện cao áp đang mang điện
1.  Những công việc cho phép làm việc khi thiết bị vẫn có điện nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định bao gồm:
a)    Lấy mẫu dầu máy biến áp (chú ý kiểm tra nối đất vỏ máy trước);
b)    Tiến hành lọc dầu ở những máy biến áp đang vận hành;
c)    Kiểm tra độ rung của thanh cái bằng sào thao tác;
d)    Đo dòng điện bằng ampe kìm; đo thử, kiểm tra đồng vị pha và đo góc lệch pha giữa 02 nguồn khác nhau bằng dụng cụ chuyên dùng;
e)    Vệ sinh cách điện từ 35 kV trở xuống bằng dụng cụ chuyên dùng đã được kiểm tra và thử nghiệm định kỳ theo đúng quy định hiện hành;
f)     Giám sát dầu trực tuyến, giám sát phóng điện cục bộ, kiểm tra nhiệt độ mối nối, kiểm tra hệ thống đo đếm,…
g)    Công việc đo độ cao dây dẫn bằng sào chuyên dùng.
2.  Những công việc làm ở Khoản 1 Điều này chỉ được tiến hành khi các bộ phận mang điện ở phía trước mặt hay ở phía trên đầu, người làm việc phải đứng trên nền nhà hoặc giá đỡ chắc chắn, cấm người làm việc đứng lom khom.




Điều 57. Sử dụng kìm đo cường độ dòng điện
1.  Chỉ được dùng ampe kìm để đo dòng điện ở thiết bị điện cao áp từ 22 kV trở xuống. Phần cách điện khi sử dụng kìm đo ở thiết bị điện cao áp phải trong thời hạn thử nghiệm. Không sử dụng kìm đo nếu phần cách điện ở phía miệng kìm bị nứt, vỡ.
2.  Khi đo phải sử dụng găng tay cách điện, ủng cách điện hoặc ghế cách điện tương ứng với cấp điện áp của thiết bị, vị trí đo phải thuận tiện.
3.  Khi đo dòng điện ở thiết bị điện hạ áp, được phép đo ở trường hợp ampe mét đọc riêng, người đo không cần mang thiết bị an toàn, nếu đo trên cột thì phải tuân theo quy định làm việc trên cao của Quy trình này. Khi đo phải đứng trên nền nhà hoặc giá đỡ chắc chắn, không đứng trên thang di động để đo.
4.  Đo xong, kìm đo điện phải để trong hộp và bảo quản nơi khô ráo.
Điều 58. Làm việc trên máy cắt
          1. Khi tiến hành công việc trên máy cắt phải:
Có lệnh cho phép tách máy cắt khỏi vận hành của cấp điều độ có quyền điều khiển;
Cắt nguồn điều khiển máy cắt;
Cắt các dao cách ly trước và sau máy cắt;
Treo biển cảnh báo “Cấm đóng điện! Có người đang làm việc” vào khóa điều khiển máy cắt.
2. Khi tiến hành thử, điều chỉnh việc đóng, cắt máy cắt, người chỉ huy trực tiếp được phép cấp điện vào nguồn điều khiển nhưng phải được sự đồng ý của nhân viên vận hành.
3. Cấm sửa chữa ở các máy cắt đang vận hành.

Điều 59. Làm việc ở máy phát điện và máy bù đồng bộ
1.  Người làm việc phải mặc gọn gàng (nữ giới phải đội mũ, tóc cuốn gọn), kiểm tra ánh sáng nơi làm việc và các thiết bị phụ theo đúng quy trình.
2.  Xung quanh máy phát hoặc máy bù không để quần, áo và bất cứ loại vật liệu nào có thể cuốn vào máy.
3.  Kiểm tra chổi than khi máy đang chạy phải mang găng cách điện và cài chặt vào cổ tay, cấm dùng tay tiếp xúc đồng thời với hai cực tính khác nhau của máy.
4.  Khi máy đang quay, nếu không có dòng điện kích từ thì vẫn được xem như đang có điện.
5.  Nếu máy phát, máy bù có điểm trung tính nối với điểm trung tính của máy phát, máy bù khác (hoặc của hệ thống) thì khi sửa chữa ở mạch Stator phải tách điểm trung tính ra khỏi hệ thống, làm việc này phải đeo găng tay cách điện cao áp.
6.  Trong các mạch Stator của máy phát quay không kích từ có thiết bị dập từ, cho phép đo giá trị của điện áp dư và xác định thứ tự các pha. Các công việc này cần thực hiện bởi cán bộ kỹ thuật của đơn vị thí nghiệm điện.
7.  Cho phép tiến hành đo điện áp trên trục và trở kháng cách điện Rotor to của máy phát đang làm việc với yêu cầu có 02 người trình độ an toàn bậc 4 và bậc 5.
8.  Cho phép tiến hành tiện và mài các vành tiếp xúc của Rotor, mài vành góp của bộ kích từ máy phát khi sửa chữa theo mệnh lệnh. Khi tiến hành phải sử dụng các công cụ bảo vệ mặt và mắt khỏi các tác động cơ khí.
9.  Cho phép bảo dưỡng các thiết bị chổi than khi máy phát đang làm việc. Khi này cần phải tuân thủ các biện pháp an toàn sau:
Khi làm việc phải đội mũ bảo vệ và sử dụng các công cụ bảo vệ mặt và mắt, quần áo được đóng cúc để tránh việc bị cuốn đi bởi các phần quay của máy móc;
Sử dụng ủng cách điện, thảm cách điện và găng tay cách điện tránh tiếp xúc ngẫu nhiên các phần cơ thể với các phần được nối đất;
Không đồng thời chạm tay đến các phần mang điện của hai cực hoặc các phần mang điện và phần được nối đất.
Điều 60. Làm việc ở động cơ điện cao áp
1.  Cấm làm bất cứ công việc gì trong mạch của động cơ đang quay, trừ công việc thí nghiệm thực hiện theo phương án được phê duyệt.
2.  Biện pháp an toàn khi sửa chữa:
a) Cắt điện và có biện pháp để tránh đóng nhầm điện trở lại như khoá bộ phận truyền động của máy cắt và dao cách ly; treo biển cảnh báo “Cấm đóng điện! Có người đang làm việc” tại máy cắt và dao cách ly cấp điện cho động cơ;
b) Nếu động cơ có đặt chung điểm trung tính thì phải tách điểm trung tính ra khỏi hệ thống;
c) Nếu đầu cáp của động cơ điện đã tháo rời thì các công việc tiến hành trên động cơ phải theo phương án được phê duyệt.
3.  Trước khi cho phép làm việc trên động cơ điện quay có các cơ cấu nối với chúng (máy hút khói, quạt, máy bơm,…), tay lái của van chặn (chốt, cánh quạt, tấm chắn) phải được khóa. Ngoài ra, phải sử dụng các biện pháp để hãm Rotor động cơ điện hoặc tháo các khớp li hợp.
4.  Cắt điện nguồn điều khiển từ xa bằng tay và điều khiển tự động các động cơ điện của van chặn, máy điều hướng. Trên tay lái của chốt, tấm chắn, cánh quạt phải treo biển báo an toàn, còn trên khóa, các nút ấn điều khiển động cơ điện của van chặn thì treo “Cấm đóng điện! Có người đang làm việc”.
5.  Cho phép thực hiện công việc theo mệnh lệnh trên động cơ điện đang quay mà không tiếp xúc với các phần mang điện và quay.
6.  Khi động cơ điện đang làm việc, cho phép bảo dưỡng chổi than bởi nhân viên được đào tạo cho nhiệm vụ này, khi tuân thủ các biện pháp an toàn sau:
Khi làm việc sử dụng các công cụ bảo vệ mặt và mắt, quần áo bảo hộ, đề phòng việc cuốn đi bởi các phần quay của động cơ điện;
Sử dụng giày và thảm cách điện;
Không đồng thời tiếp xúc tay tới các phần mang điện của hai cực hoặc phần mang điện và phần được nối đất.
Được phép mài nhẵn vành của Rotor trong động cơ điện đang quay khi sử dụng các khuôn bằng vật liệu cách điện.
Điều 61. Làm việc với tụ điện
1.  Cấm dùng dao cách ly để đóng, cắt các tụ điện cao áp và lấy mẫu dầu khi tụ điện đang vận hành.
2.  Khi cắt tụ điện để sửa chữa thì phải phóng điện (xả điện tích) các tụ điện theo quy định, quy trình của đơn vị quản lý vận hành.
3.  Khi phóng điện tích dư của tụ điện phải có điện trở hạn chế, sau đó mới phóng trực tiếp xuống đất để tránh hư hỏng tụ.
Điều 62. Làm việc với ắc-quy
1.  Trong vận hành bình thường buồng ắc-quy phải được khoá, chìa khoá phải để nơi quy định và chỉ được giao cho người phụ trách phòng ắc-quy hoặc những người được phép đi kiểm tra trong thời gian làm việc và kiểm tra.
2.  Cấm hút thuốc, sử dụng bật lửa, lò sưởi và các vật sinh lửa khác trong buồng chứa ắc-quy, cửa buồng ắc-quy phải đề rõ: “Buồng ắc-quy! Cấm lửa - Cấm hút thuốc”.
3.  Buồng chứa ắc-quy phải có đủ các hệ thống quạt gió, thông hơi. 
4.  Không để đồ đạc làm ngăn cản các cửa thông gió, các lối đi giữa các giá trong buồng ắc-quy.
5.  Trước khi nạp và sau khi nạp ắc-quy phải bật quạt thông gió ít nhất là 30 phút. Nếu phát hiện còn hơi độc thì không được ngừng quạt. Buồng ắc-quy làm việc theo phương pháp phụ nạp thường xuyên thì trong một ca phải định kỳ bật quạt thông gió ít nhất 02 lần, mỗi lần 30 phút.
6.  Phải chuẩn bị chất trung hoà phù hợp với hệ thống ắc-quy.
7.  Biện pháp an toàn khi làm việc, sử dụng và pha chế axít:
a)  Làm việc với axít do người chuyên nghiệp thực hiện, vận chuyển bình axít phải có 02 người, chú ý kiểm tra đường đi trước để tránh trơn, trượt ngã hoặc làm đổ bình;
b)  Trên thành các bình chứa axít, chứa dung dịch axít, nước cất đều phải ghi rõ từng loại bằng sơn chống axít;
c)  Axít đậm đặc phải để trong các buồng riêng, ngoài axít ra chỉ được phép để dung dịch trung hoà; axít phải để trong các bình chuyên dùng bằng nhựa tổng hợp, thủy tinh hay sành sứ có nắp đậy và quai xách;
d)  Khi rót axít ra khỏi bình phải có phương tiện giữ bình để khỏi đổ vỡ. Bình chứa axít phải thật khô và sạch sẽ;
e)  Khi pha chế axít thành dung dịch phải rót từng tia nhỏ axít theo đũa thuỷ tinh vào bình nước cất và luôn luôn khuấy để toả nhiệt tốt;
f)   Cấm đổ nước cất vào axít để pha chế thành dung dịch.


Danh mục:

  • Website: Kỹ thuật - An toàn và thông tin tổng hợp dành cho người làm công tác ATLĐ.