Phương pháp 5W và Phương pháp tư duy động não
Phương pháp 5W – Tư duy tích cực
----------
Câu hỏi đánh thức sự hứng thú, sự tò mò của chúng ta,
chúng gợi mở tư duy, kích thích trí thông minh và mở cánh cửa trí tuệ để khám
phá những chiều kích khác nhau của cuộc sống và của chính bản thân chúng ta.
Đó là năm câu hỏi nổi tiếng bắt đầu bằng năm
chữ cái "W" - Why, What, Who, When, Where (Tại sao, Cái gì, Ai, Khi
nào, Ở đâu), và không quên có chữ “H” kèm
theo: How (Như thế nào). Có một câu nói rất hay rằng: "Tôi thà biết vài
câu hỏi còn hơn biết tất cả các câu trả lời". Vì sao vậy? Hầu hết chúng ta
nghĩ rằng nếu biết tất cả những câu trả lời đúng, chúng ta sẽ thành công và hạnh
phúc. Nhưng điều này chỉ đúng trong một chừng mực nào đó. Một đáp án đúng luôn
có sẵn và được áp dụng cho các vấn đề toán học, nhưng với đời sống vốn phức tạp,
mơ hồ, dễ đổi thay thì một câu hỏi không chỉ có một đáp án đúng - tất cả tùy
thuộc vào điều mà bạn tìm kiếm.
Đó là lý do vì sao chúng tôi bắt đầu cuốn sách này bằng
cách xem xét quan niệm cá nhân về sự thành công: bởi câu trả lời
"đúng" tùy thuộc vào điều chúng ta muốn đạt được. Và nếu bạn luôn có
sáu câu hỏi này bên mình như những người bạn tốt, thì sẽ còn rất ít điều trong
cuộc sống vượt ngoài sự hiểu biết của bạn.
(1)Vì vậy, chúng ta sẽ bắt đầu với "Why" (tại sao). Tại sao tư duy tích cực lại là một kỹ năng quan
trọng cần phải được phát huy? Điều đó là hiển nhiên bởi bối cảnh mà tất cả
chúng ta đang sống, cũng như sự hiểu biết về bộ não kỳ diệu và về những quan hệ
trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
(2)Sau đó, chúng ta sẽ đặt câu hỏi "What" (cái gì). Tư duy tích cực là gì và nó hoạt động ra sao ("How")? Nó vận
hành như thế nào và làm sao chúng ta có thể áp dụng tư duy tích cực trong cuộc
sống của mình?
(3)Cuối cùng là ba câu hỏi còn lại trong danh sách, có
tên "Who"
(ai), "When" (khi nào) và "Where" (ở đâu). Những câu
hỏi này khá đơn giản và không cần nhiều thời gian để giải đáp nên chúng ta sẽ
trả lời ngay bây giờ.
-----
Đầu tiên: "Who?” -
Ai cần học tư duy tích cực? Nó ứng dụng
cho những ai? Câu trả lời quá dễ phải không? Cho tôi. Cho bạn. Ai cần học
tư duy tích cực nếu không phải là tất cả chúng ta?
Kế tiếp, "When" và
"Where" - Tôi nên áp dụng tư duy tích cực trong bối cảnh nào và vào lúc nào trong ngày? Ồ, một lần nữa câu trả lời lại thật đơn giản:
Ở đây, ngay nơi bạn đang đứng và đang sống và ngay bây giờ, vào mọi khoảnh khắc
của bạn. Chẳng có lý do gì để trì hoãn một công việc đầy hứa hẹn; và với một việc
tốt và có ích như thế thì thời gian là "bây giờ", địa điểm là "ở
đây" và bạn chính là người để làm việc đó. Như vậy là chúng ta đã giải quyết
xong một nửa các câu hỏi. Và việc này diễn ra trước khi chúng ta bắt đầu cuốn
sách này. Chúng ta đang làm rất tốt!
Bây giờ, hãy giới thiệu về chủ đề: Ta gọi tư duy tích cực
là gì? Định nghĩa nó như thế nào? Có người đã đúc kết rằng, tư duy tích cực là
khả năng suy nghĩ theo cách mà qua đó, ta có thể biến chuyển những tình huống khó khăn thành những thuận lợi. Thật
ra, tư duy tích
cực có tác dụng tốt hơn thế nữa, vì không những nó có thể biến những
khó khăn thành thuận lợi cho bản thân chúng ta
mà nó còn có tác dụng giống như vậy đối với những người xung quanh chúng ta,
trong các mối quan hệ của chúng ta. Hầu hết chúng ta thường được dạy cách tư
duy theo kiểu "thắng - thua": trong bất kỳ tình huống nào, hoặc là ta
thắng, hoặc là ta thua. Điều này dẫn tới lối suy nghĩ rằng trong bất kỳ một mối
quan hệ nào cũng có kẻ thắng và người thua. Người thắng thì vui mừng, kẻ thua
thì cay đắng.
Bằng cách tư duy tích cực, chúng ta hãy tư duy theo
cách "cùng
thắng": nếu tôi muốn đạt được điều gì có ích cho bản thân thì
tôi cũng muốn điều đó xảy ra với bạn. Chúng ta sống cùng nhau và cùng san sẻ với nhau những thuận
lợi. Điều này nghe có vẻ quá lý tưởng và không mấy hiện thực.
Có thể là vậy, nhưng chúng ta hãy bỏ ra chút ít thời
gian để xem xét ý kiến sau đây:
* Nếu trong mối quan hệ với tôi, bạn có cảm giác bị mất
mát điều gì đó thì có thể trong tim bạn sẽ nảy sinh lòng hận thù đối với tôi,
có thể bạn đang nghĩ cách trả thù.
* Còn tôi, đương nhiên tôi không thích sống với ý nghĩ
rằng mình có những kẻ thù đang chực chờ cơ hội để đòi lại những gì bị đoạt mất.
Hơn nữa, chính tôi cũng không thích mất mát.
Vì vậy, tôi giả định rằng bạn cũng như tôi, và thế là
toàn bộ trò chơi cuộc đời sẽ là một chuỗi những bấp bênh: nay bạn thắng, mai bạn thua. Nếu
chúng ta chỉ cảm thấy tốt và hạnh phúc khi thắng thì chắc chắn hạnh phúc đó sẽ
không thể vững bền.
************************